Kỳ 1
Vietstock - Đâu là những điều nhà đầu tư cần lưu ý khi tham gia thị trường phái sinh?
Sau khoảng thời gian dài chuẩn bị và hoàn thiện, thị trường phái sinh sẽ chính thức đi vào hoạt động trong thời gian tới với sản phẩm phái sinh đầu tiên được giao dịch là hợp đồng tương lai chỉ số (Index Futures). Dù thị trường phái sinh đã được hình thành và phát triển từ rất lâu nhưng đối với đại bộ phận nhà đầu tư thì đây vẫn là hình thức giao dịch khá mới mẻ. Như vậy, đâu là những điều nhà đầu tư cần lưu ý khi tham gia đầu tư vào thị trường này?
Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh là một công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào giá của tài sản cơ sở. Về cơ bản, có thể hiểu Chứng khoán phái sinh là một loại hợp đồng về một giao dịch diễn ra trong tương lai nhưng được xác định trước ở thời điểm hiện tại.
Gắn với sự phát triển của thị trường phái sinh thế giới, số lượng sản phẩm phái sinh được ra đời trên thị trường cũng đã trở nên rất đa dạng. Nhìn chung, có thể phân chia chứng khoán phái sinh thành 4 loại chính:
1. Hợp đồng kỳ hạn (Forward Contract): Là một thỏa thuận pháp lý giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một loại tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước tại ngày giao dịch.
Khi thực hiện một hợp đồng kỳ hạn, hai bên mua và bán sẽ chủ động thống nhất các điều khoản và điều kiện về: tài sản cơ sở, giá, hình thức thanh toán, thời gian thanh toán… Và khi hợp đồng đến ngày đáo hạn, hai bên mua – bán có nghĩa vụ bắt buộc phải giao dịch hàng hóa.
Không giống như các hợp đồng tương lai và quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn dù đã tồn tại từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa có một sàn giao dịch tập trung chính thức để giao dịch hợp đồng này. Do đó, hợp đồng kỳ hạn được giao dịch hoàn toàn trên thị trường phi tập trung (OTC), nơi diễn ra các trao đổi trực tiếp giữa hai bên cá nhân mua – bán và các định chế tài chính lớn.
2. Hợp đồng tương lai (Futures Contract): Giống như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai là một thỏa thuận pháp lý giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một loại tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước tại ngày giao dịch. Tuy vậy, điểm khác biệt lớn nhất so với hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng tương lai đã được tiêu chuẩn hóa các điều khoản và được giao dịch chính thức trên một sàn giao dịch tập trung.
3. Hợp đồng quyền chọn (Option Contract): Là một hợp đồng giữa hai bên người mua và người bán – trong đó cho người mua quyền, nhưng không phải nghĩa vụ, để mua hoặc bán một tài sản nào đó vào một ngày trong tương lai với giá được thỏa thuận vào ngày hôm nay. Khi thực hiện giao dịch quyền chọn, người mua quyền chọn trả cho người bán một số tiền gọi là giá hay phí quyền chọn. Người bán quyền chọn sẳn sàng bán hoặc mua tài sản theo các điều khoản của hợp đồng khi người mua muốn.
4. Hợp đồng hoán đổi (Swap Contract): Hợp đồng hoán đổi là một trong những công cụ “biến thể” phổ biến nhất từ việc kết hợp các loại hợp đồng phái sinh kể trên. Theo đó, hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận pháp lý trong đó hai bên đồng ý hoán đổi dòng tiền của công cụ tài chính của một bên với dòng tiền của công cụ tài chính của bên còn lại trong một khoản thời gian nhất định.
Các đặc điểm của một hợp đồng tương lai
Về cơ bản, hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn là hai sản phẩm phái sinh có bản chất khá tương đồng. Tuy vậy, với nhược điểm lớn nhất của hợp đồng kỳ hạn là không có tính thanh khoản cao và không có thị trường giao dịch tập trung, do đó sẽ đến những khó khăn nhất định cho các chủ thể giao dịch. Vì vậy, hợp đồng tương lai được ra đời với nhiệm vụ khắc phục những nhược điểm của hợp đồng kỳ hạn. Một hợp đồng tương lai sẽ có những đặc điểm chính như sau:
1. Được chuẩn hóa. Các điều khoản trong hợp đồng sẽ được tiêu chuẩn hóa bởi tổ chức quản lý thị trường là Sở Giao dịch Chứng khoán. Các điều khoản được chuẩn hóa sẽ được quy định tại Mẫu hợp đồng và bao gồm những điều khoản cụ thể về việc giao dịch và thanh toán của các bên.
2. Được giao dịch trên thị trường tập trung. Khác với hợp đồng kỳ hạn – vốn chỉ được giao dịch trên thị trường OTC, hợp đồng tương lai có thể dễ dàng giao dịch trên thị trường tập trung theo nguyên tắc tương tự như giao dịch chứng khoán cơ sở. Việc tham gia vào một hợp đồng mới hoặc thoát khỏi một hợp đồng có thể được thực hiện thông qua hoạt động giao dịch mua/bán hợp đồng trên thị trường.
3. Giá giao dịch hợp đồng biến động theo giá thị trường. Do được giao dịch liên tục trên thị trường nên giá của hợp đồng tương lai cũng biến động liên tục tương tự như giá của chứng khoán tại thị trường cơ sở. Khi giá của hợp đồng tương lai biến động, giá trị khoản tiền đầu tư của nhà đầu tư vào hợp đồng sẽ biến động theo. Cụ thể nhà đầu tư sẽ ghi nhận lãi trong trường hợp giá biến động theo chiều hướng có lợi hoặc ghi nhận lỗ trong trường hợp giá biến động theo chiều hướng bất lợi với vị thế nắm giữ của nhà đầu tư. Việc ghi nhận lãi/lỗ sẽ được thực hiện và hạch toán hằng ngày.
4. Giảm thiểu rủi ro mất khả năng thanh toán. Để giảm thiểu rủi ro khi một bên mất khả năng thanh toán gây ảnh hưởng tới đối tác trong hợp đồng, việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua tổ chức trung gian là Trung tâm Thanh toán Bù trừ (TTLKCK).
5. Yêu cầu ký quỹ. Để đảm bảo tính toàn cho thị trường, TTLKCK yêu cầu tất cả nhà đầu tư tham gia mua hoặc/và bán hợp đồng phải nộp một khoản ký quỹ được gọi là Ký quỹ ban đầu cho Trung tâm, khi giá của hợp đồng tương lai biến động thì giá trị khoản ký quỹ này cũng sẽ biến động theo. Khi khoản ký quỹ này xuống thấp hơn mức kỹ quỹ được gọi là ký quỹ duy trì, thì nhà đầu tư phải bổ sung tiền/tài sản để tăng giá trị ký quỹ bằng mức ký quỹ tối thiểu ban đầu.
6. Đòn bẩy tài chính cao. Như đã trình bày ở trên, nhà đầu tư khi tham gia giao dịch hợp đồng tương lai phải thực hiện ký quỹ để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán khi hợp đồng đáo hạn. Ký quỹ thường chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong giá trị của toàn bộ giá trị hợp đồng tương lai mà nhà đầu tư tham gia giao dịch. Vì vậy, hợp đồng tương lai trở thành một công cụ có mức độ đòn bẩy rất cao khi mà một lượng ký quỹ nhỏ có thể giúp nhà đầu tư tham gia vào các vị thế của hợp đồng với giá trị lớn hơn rất nhiều lần. Theo đó, khi dự đoán của nhà đầu tư về biến động giá của tài sản cơ sở trở thành hiện thực, nhà đầu tư sẽ kiếm được lợi nhuận rất lớn do hiệu ứng đòn bẩy từ vị thế hợp đồng tương lai mà mình nắm giữ.
Tại thị trường Việt Nam, hợp đồng phái sinh đầu tiên được lựa chọn để giao dịch là hợp đồng tương lai trên chỉ số chứng khoán. Cụ thể, tài sản cơ sở được lựa chọn là hai chỉ số chứng khoán VN30-Index, HNX30-Index và Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm. Trong đó, nếu hai chỉ số VN30-Index và HNX30-Index được đón nhận rộng rãi bởi đại bộ phận nhà đầu tư cá nhân thì hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm nhiều khả năng sẽ chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu tư tổ chức.
Những điều khoản cơ bản của một hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán
Như đã giới thiệu ở các phần trên, khi giao dịch một hợp đồng phái sinh, hai bên mua và bán sẽ chủ động thống nhất các điều khoản và điều kiện về: tài sản cơ sở, giá, hình thức thanh toán, thời gian thanh toán… Vì vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố những quy định cơ bản về sản phẩm hợp đồng tương lai và những quy định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 02/06/2017:
Các điều khoản của một hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán
Mẫu hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ dự kiến
(*) Thông tin chi tiết về các điều khoản được quy định của Hợp đồng Tương lai, xem thêm chi tiết tại đây.
Hợp đồng tương lai được thanh toán như thế nào?
Nguyên tắc thanh toán đối với một hợp đồng tương lai sẽ được quy định cụ thể tại mẫu hợp đồng. Cụ thể một hợp đồng tương lai có thể được thực hiện dưới 1 trong 2 hình thức sau đây:
1. Thanh toán bằng hình thức chuyển giao vật chất. Phương thức thanh toán này áp dụng cho các hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở có thể chuyển giao (hàng hóa, trái phiếu, cổ phiếu…). Vào thời điểm đáo hạn, bên mua của hợp đồng tương lai sẽ thực hiện chuyển tiền và bên bán hợp đồng tương lai sẽ thực hiện chuyển giao tài sản cơ sở theo yêu cầu của Trung tâm thanh toán Bù trừ, thông qua hệ thống thanh toán của Trung tâm.
2. Thanh toán bằng tiền mặt. Phương thức thanh toán này áp dụng cho các hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở không thể chuyển giao (lãi suất, chỉ số chứng khoán, thời tiết…). Giá trị tiền thanh toán sẽ được tính trên lãi/ lỗ hàng ngày trên khoản ký quỹ của nhà đầu tư khi giá tài sản cơ sở có sự biến động trên thị trường.
Như vậy, tại thị trường phái sinh Việt Nam, với các sản phẩm phái sinh hiện tại bao gồm hợp đồng tương lai trên chỉ số chứng khoán và trái phiếu chính phủ thì cơ chế thanh toán trên hợp đồng chỉ số chứng khoán sẽ là phương thức thanh toán bằng tiền mặt và đối với trái phiếu chính phủ sẽ là hình thức chuyển giao vật chất.
Thị trường giao dịch hợp đồng tương lai
Mô hình các chủ thể tham gia thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh
Vai trò của các chủ thể trên thị trường chứng khoán phái sinh
Mô hình giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường
Nhà đầu tư sẽ giao dịch hợp đồng tương lai như thế nào?
Bảng giá điển hình của Hợp đồng tương lai
Cũng giống như cách trình bày bảng giá giao dịch cổ phiếu, bảng giá giao dịch hợp đồng tương lai cũng gồm những nội dung cơ bản của một hợp đồng tương lai. Cụ thể, bảng giá sẽ cho biết mã hợp đồng, tháng đáo hạn, giá tham chiếu, giá trần, giá sàn cùng các cột giá và khối lượng đặt mua/ bán.